Là trung tâm của vùng đô thị mới TP.HCM, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản, hiện nay quận 7 duy trì tốc độ phát triển cao và trở thành một khu vực giàu tiềm năng cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Qua bài viết này, Siglaw sẽ giúp những nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định thành lập công ty FDI tại quận 7, TP.HCM có những thông tin hữu ích cho việc bắt đầu hoạt động kinh doanh tại khu vực này.
Thông tin chung về quận 7 TPHCM
Quận 7 được tách ra từ phần đất phía Bắc của huyện Nhà Bè, bao gồm thị trấn Nhà Bè và 05 xã lân cận chính thức thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1997 theo Nghị định số 03/CP ngày 6 tháng 1 năm 1997 của Chính phủ, nằm ở vùng ven phía Đông Nam Thành phố. Quận có diện tích tự nhiên là 3.576 ha, gồm 10 phường với dân số gần 350.000 người.
Sau khi thành lập, Quận tiếp nhận tổng cộng 24 nhà máy, công ty, xí nghiệp do Trung ương và Thành phố quản lý như: cảng kho 18 (thuộc cảng Sài Gòn), cảng Bến Nghé, nhà máy luyện cán thép Nhà Bè,… Ngoài ra, khu chế xuất Tân Thuận có quy mô sản xuất lớn và khá hiện đại đã đi vào hoạt động. Cùng với việc hình thành vùng đô thị hóa Nam Sài Gòn (2.600 ha), quận 7 trở thành trung tâm đô thị mới của TP.HCM.
Trên địa bàn quận 7 có các trục giao thông lớn đi qua như: Xa lộ Bắc Nam; đại lộ Nguyễn Văn Linh; Sông Sài Gòn bao bọc phía Đông với hệ thống cảng chuyên dụng, trung chuyển hàng hóa đi nước ngoài và ngược lại, có 03 cảng lớn là cảng Bến Nghé, cảng Tân Thuận, cảng Bông Sen vì vậy tạo điều kiện thu hút đầu tư thành lập công ty logistics có vốn nước ngoài tại quận 7.
Đặc biệt, trên địa bàn quận có Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng với quy hoạch tổng thể bài bản ngay từ đầu và đến nay toàn bộ các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội như hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông… đã được xây dựng hoàn chỉnh. 84 dự án về xây dựng nhà ở với tích gần 2.500.000 m2; gần 20 cơ sở y tế, gần 12.000 đơn vị nhà ở các loại, gần 30 cơ sở giáo dục đã hoàn thiện.
Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 7
Điều kiện tiếp cận thị trường nếu thành lập doanh nghiệp FDI tại quận 7
Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam phải chú ý tới Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư không được lựa chọn các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường trong Danh mục này. Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện về: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Điều kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngành bị cấm, hạn chế kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 7
Nhà đầu tư cần lưu ý các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh tại quận 7 bao gồm các ngành nghề được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, các ngành nghề bị hạn chế đầu tư tại quận 7 hiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để đáp ứng đủ các điều kiện trước khi đầu tư vào khu vực này.
Thủ tục thành lập công ty FDI tại quận 7
Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan quản lý đầu tư tại địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại quận 7 (theo mẫu Mẫu A.I.1 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT);
- Bản chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Đề xuất dự án đầu tư thành lập công ty FDI tại quận 7;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Hợp đồng thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư tại quận 7 nếu không có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có sử dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, hoặc có nhu cầu thuê đất của nhà nước cần nộp bổ sung các hồ sơ sau:
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất;
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ tại:
– Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đối với các dự án:
- Dự án đầu tư tại quận 7 nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án đầu tư tại quận 7 thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Thông tin về Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM:
Địa chỉ: Số 32, đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM.
Điện thoại: 0283 822 7495 / 0283 827 2192.
Email: skhdt@tphcm.gov.vn
– Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế TP.HCM đối với các dự án:
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Địa chỉ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất TP.HCM: Số 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Địa chỉ Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM: Đường D1, Khu công nghệ cao phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối cấp phải lập thành văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 2: Đăng ký thành lập công ty có vốn nước ngoài tại quận 7
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty có vốn nước ngoài tại quận 7 gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty FDI tại quận 7 (Theo mẫu tại Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT);
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên (Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Đối với công ty Cổ phần);
- Bản sao hợp lệ thuộc một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng thực cá nhân; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài; Quyết định thành lập của pháp nhân nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM; hoặc nộp hồ sơ online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Sau khi thành lập công ty có vốn nước ngoài tại quận 7 cần làm gì?
- Đăng ký tài khoản báo cáo đầu tư: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư thông qua tài khoản được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Nhà đầu tư cần nộp đơn đăng ký tài khoản, sau đó chú ý báo cáo định kỳ theo quy định pháp luật.
- Mở tài khoản ngân hàng: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để nhà đầu tư chuyển vốn vào, sau đó chuyển sang tài khoản thanh toán để thanh toán các chi phí vận hành công ty.
- Đăng ký lao động: Thực hiện đăng ký lao động, báo cáo và xin giấy phép lao động cho người nước ngoài lao động nước ngoài và các loại bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
- Xin Giấy phép con: Xin cấp các giấy phép con cần thiết cho các ngành nghề có điều kiện (nếu có).
Lưu ý và thách thức khi thành lập công ty FDI tại quận 7
Thủ tục hành chính và pháp lý phức tạp
- Đăng ký kinh doanh: Việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Quy trình này có thể mất thời gian và phức tạp, yêu cầu nắm vững quy định pháp lý và làm đúng thủ tục theo đúng quy định của cơ quan chức năng.
- Vốn đầu tư: Các quy định về vốn đầu tư nước ngoài cần được tuân thủ, bao gồm việc chứng minh nguồn gốc và hợp pháp của vốn, xác định các ngành nghề kinh doanh được phép và giới hạn vốn đầu tư trong các ngành đó.
- Giấy phép con: Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty cần làm thủ tục xin cấp giấy phép con nếu hoạt động trong các ngành, nghề có điều kiện. Quá trình này có thể tốn thời gian và yêu cầu kiên nhẫn, vì phải tuân thủ quy định của các pháp luật chuyên ngành và các cơ quan quản lý chuyên môn khác nhau.
Đặc thù môi trường kinh doanh tại quận 7, TP.HCM
- Ngôn ngữ và văn hóa: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam và do đó, việc hiểu và sử dụng tiếng Việt có thể là một thách thức đối với những người nước ngoài. Ngoài ra, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán và cách làm việc của người Việt cũng rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt.
- Môi trường kinh doanh: Quận 7, TP.HCM là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh khá cao. Cần phân tích kỹ thị trường, hiểu rõ nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân địa phương để có được một chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Cạnh tranh từ doanh nghiệp bản địa
Thị trường kinh doanh tại quận 7 nói riêng và TP. HCM nói chung đang có sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp bản địa. Cần đối mặt với sự cạnh tranh này bằng cách nắm vững thị trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh và xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả.