Tiếp sau sự kiện các nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác với tập đoàn Nam Long phát triển dự án, quỹ Creed Group ngày 26/7 đã ký cam kết đầu tư 200 triệu USD vào công ty địa ốc mới nổi là An Gia Investment.
Tóm tắt
– Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là “đích ngắm” mới của doanh nghiệp Nhật Bản, không chỉ ở lĩnh vực BĐS mà còn cả nhiều dự án logistics, cảng biển.
– Đánh giá về xu hướng này, một số nhà đầu tư Nhật Bản nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những triển vọng và tiềm năng phát triển, đặc biệt là môi trường đầu tư vào BĐS đang ngày một thông thoáng hơn, sẽ trở thành một điểm đến quan trọng thu hút thêm nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản trong những năm tới.
Động thái này được nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản đang bắt đầu “chảy” mạnh vào thị trường BĐS trong nước, bên cạnh thế mạnh đầu tư vào nông nghiệp của các nhà đầu tư nước này.
Dòng vốn chất lượng
Từ năm 2011, tập đoàn Tokyu Corp của Nhật Bản đã và đang có các thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Becamex IDC Corp đầu tư 25 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2tỷ USD) để phát triển dự án khu đô thị rộng 71ha tại thành phố mới Bình Dương.
Một doanh nghiệp BĐS khác là Thành Đông cũng đã ký kết hợp tác khá tốt với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nhằm huy động nguồn vốn để đầu tư hàng loạt dự án BĐS. Theo đó, Thành Đông đang thương thuyết với một quỹ đầu tư tại thành phố Osaka hợp tác đầu tư 3 dự án lớn của công ty này tại Hải Dương.
Song song đó, Thành Đông cũng đạt được thoả thuận với công ty Handa Global (Yokohama) về việc tham gia góp vốn xây dựng 1 tổ hợp khách sạn 5 sao tại Khu đô thị Nha Trang – Diên Khánh và 1 khu quần thể biệt thự biển tại Khu đô thị thương mại dịch vụ tài chính du lịch trung tâm Tp. Nha Trang. Tổng giá trị cam kết giữa Thành Đông và Handa Global đạt khoảng 200 triệu USD.
Trước đó, các nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn đầu tư vào khu đất vàng Lê Duẩn – Hai Bà Trưng (quận 1) để xây dựng một cao ốc dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản vốn đang tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn Sumitomo Corporation đang tìm hiểu dự án đầu tư vào trung tâm tài chính thương mại Thủ Thiêm rộng 20ha..
Ở phân khúc BĐS công nghiệp, khu công nghiệp ở Đồng Nai được phát triển bởi Donafood Việt Nam và ba đối tác Nhật Bản là tổng công ty Sojitz, công ty TNHH Daiwa House và Kobelco Eco-Solution. Với sự hợp tác 88% liên doanh, các công ty Nhật Bản và đối tác địa phương sẽ đầu tư 100 triệu đô la Mỹ trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Tại Tp.HCM, Khu kỹ nghệ Việt – Nhật với vốn đầu tư 31 triệu USD vừa được khánh thành giai đoạn 1.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là “đích ngắm” mới của doanh nghiệp Nhật Bản, không chỉ ở lĩnh vực BĐS mà còn cả nhiều dự án logistics, cảng biển. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang mong muốn được thành phố Cần Thơ giới thiệu vị trí để đầu tư một khu công nghiệp riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về du lịch, thương mại dịch vụ. Được biết, tập đoàn Saporo của Nhật Bản cũng đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư một sân golf và khu đô thị sinh thái tại Cần Thơ và hợp tác đầu tư một số lĩnh vực khác thuộc thế mạnh của tập đoàn tại một số tỉnh ở ĐBSCL.
“Bơm” vốn mạnh hơn nữa
Đánh giá về xu hướng này, một số nhà đầu tư Nhật Bản nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những triển vọng và tiềm năng phát triển, đặc biệt là môi trường đầu tư vào BĐS đang ngày một thông thoáng hơn, sẽ trở thành một điểm đến quan trọng thu hút thêm nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản trong những năm tới.
Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group, cho biết: “Đây chỉ là bước khởi đầu trong hợp tác, nếu thị trường bất động sản Việt Nam phát triển tốt chúng tôi sẽ bơm tiếp hàng trăm triệu USD không chỉ vào An Gia Investment, mà có thể với nhiều đối tác khác”.
Cũng theo ông Toshihiko, kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng; Chính phủ đang đàm phán gần xong hiệp định TPP, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế; thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam có dân số trẻ, chủ yếu tập trung ở đô thị tuy nhiên quỹ nhà ở còn khiêm tốn sẽ là cơ hội tăng trưởng rất lớn cho ngành BĐS. Trong khi đó, pháp luật về đất đai Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, tạo ra tính minh bạch, khơi thông sức mua cũng như cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam, cho biết: “Trong suốt 15 năm qua, những nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường phàn nàn về sự không công bằng trong thị trường Việt Nam. Còn bây giờ với sự thay đổi của một loạt chính sách mới, chúng ta có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài thật sự muốn nắm bắt cơ hội, và có chiến lược chuyển tiền vào Việt Nam. Để thuyết phục nhóm đối tượng này, ngoài luật pháp rõ ràng và hệ thống ngân hàng tốt hơn, yếu tố chính cần phải tập trung là con người, sản phẩm và thời điểm bán hàng”.
Theo Trí thức trẻ