Với những người bị bệnh viêm dạ dày thường xuyên xuất hiện những cơn đau ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như công việc. Chính vì thế để có thể có điều trị tốt nhất thì người bệnh cần nắm rõ triệu chứng của bệnh.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM DẠ DÀY
Triệu chứng chung của viêm dạ dày cấp tính và mạn tính
– Đau bụng ở vùng thượng vị: Khi bị viêm dạ dày, bệnh nhân có thể đau phần ở giữa rốn và xương cụt của ngực. Cơn đau của mỗi người có thể biểu hiện khác nhau như đau bỏng rát, đau âm ỉ, đau quặn từng cơn, đau tức bụng, cơn đau nặng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, bạn có thể sẽ cảm thấy đau lưng, tức ngực…
– Đau ở giữa bụng: Phần giữa bụng chứa nhiều cơ quan tiêu hóa khác nhau. Do đó, cơn đau ở giữa bụng rất khó xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể là do bạn bị viêm dạ dày.
– Ợ chua: Đây là biểu hiện điển hình của bệnh viêm dạ dày. Nếu chỉ có triệu chứng này thì bệnh đang còn ở mức độ nhẹ, nếu được điều trị kịp thời bệnh sẽ nhanh khỏi.
– Buồn nôn và nôn: Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhộn nhạo ở dạ dày, muốn nôn nhưng không nôn được hoặc nôn khan, cũng có thể nôn toàn bộ thức ăn ra ngoài. Ngoài nôn và buồn nôn, bệnh nhân còn cảm thấy đắng miệng, khô môi, khô miệng và mệt mỏi.
– Chướng bụng, khó tiêu: Triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc lúc bình thường. Lúc nào bệnh nhân cũng cảm thấy no, tức bụng và không muốn ăn thêm gì.
Cảnh báo! Các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính cần đến gặp bác sĩ ngay
Khi viêm dạ dày tiến triển nặng, niêm mạc dạ dày sẽ xuất hiện các tổn thương lớn hơn, có thể kéo theo tình trạng chảy máu trong. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp phải những cơn đau kéo dài, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, phân có màu đen (do có dính máu từ trong dạ dày)…
Ngoài ra, bệnh viêm dạ dày mạn tính nặng còn kèm theo các biểu hiện khác như khó thở và khó nuốt thức ăn, tim đập nhanh…
BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH VIÊM DẠ DÀY
– Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm dạ dày. Nếu viêm dạ dày càng tái đi, tái lại nhiều lần thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày càng cao.
– Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày là tình trạng dạ dày chảy máu trong do viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính. Các biểu hiện kèm theo có thể là nôn ra máu, đại tiện màu đen, tiểu ra máu… Nếu xuất huyết dạ dày không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
– Thủng dạ dày: Thủng dạ dày cũng là biến chứng rất nghiêm trọng của viêm dạ dày. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhói, như có vật gì đó đâm vào bụng của mình.
– Hẹp môn vị: Môn vị là bộ phận nối giữa dạ dày và tá tràng. Khi môn vị bị hẹp, thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống tá tràng sẽ gặp khó khăn. Nếu bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể nôn ra toàn bộ thức ăn đã ăn vào.
CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU DẠ DÀY
Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày
Ngay khi thấy xuất hiện 1 trong những triệu chứng của bệnh viêm dạ dày, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ khám bệnh và tiến hành làm các xét nghiệm lâm sàng như: chụp X-quang, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu…. Thông qua đó, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân, tình trạng viêm hoặc viêm loét và có hướng điều trị phù hợp nhất.
Bạn nên thực hiện việc này càng sớm càng tốt. Bởi vì nếu điều trị sớm, bệnh viêm dạ dày sẽ có cơ hội khỏi hoàn toàn cao hơn, hạn chế tiến triển thành viêm dạ dày mạn tính và các biến chứng nguy hiểm về sau này.
Cách để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày cụ thể như sau:
– Nếu người bị viêm dạ dày do sử dụng các loại thuốc giảm đau hay aspirin , cần ngừng uống ngay.
– Với người bị bệnh do vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
– Dùng thuốc kháng acid và các loại thuốc khác (chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H-2) để giảm axit dạ dày. Tuy nhiên nếu dùng với liều lượng cao có thể gây tác dụng phụ không mong muốn.
– Nếu bị viêm dạ dày do thiếu máu ác tính, người bệnh cần được bổ sung Vitamin B12
Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bị viêm dạ dày cần kết hợp chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học, tuyệt đối không sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Tránh ăn những đồ ăn cay và nóng, nên ăn những thực phẩm khiến dạ dày giảm tiết acid hoặc trung hòa axit dạ dày. Ăn nhiều sữa chua và các chế phẩm sinh học để hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Giảm đau tạm thời
Trong 1 số trường hợp, nếu bệnh nhân viêm dạ dày cảm thấy quá đau đớn có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ dưới đây để giảm đau tạm thời:
– Uống nước ấm: Nước ấm sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, tiêu diệt virus, vi khuẩn, giúp cho dạ dày êm ái hơn.
– Uống nước gừng hoặc ngậm 1 lát gừng: Vì có khả năng kháng khuẩn tốt, nên gừng thường xuyên được sử dụng để giảm các cơn đau do viêm dạ dày gây nên.
– Chườm nóng vùng bụng: Bạn có thể dùng 1 chai nước ấm chườm bụng để giảm cơn đau dạ dày tạm thời.
– Uống nước bạc hà: Một cốc nước bạc hà có thể cải thiện cơn đau dạ dày nhanh chóng, giảm buồn nôn, khó chịu.