Có tới 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP. Một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh dạ dày thậm chí là ung thư dạ dày.
1. Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là vi khuẩn sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Để làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ dạ dày, vi khuẩn HP đã tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, đồng thời tạo nên một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhầy. Sự tác động này khiến cho niêm mạc dạ dày dễ dàng bị ăn mòn bởi chất acid có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, từ đó gây ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng.
Vi khuẩn HP chủ yếu lây qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa trong những gia đình có thói quen ăn uống chung. Quá trình lây nhiễm xảy ra khi sử dụng thức ăn hay nước uống không đảm bảo vệ sinh, có chứa vi khuẩn.
2. Xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính có nguy hiểm không?
Theo một số thống kê cho thấy tại Hà Nội cứ 1.000 người thì có tới 700 người nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh có đến 90% người bị viêm dạ dày có liên quan tới loại vi khuẩn này. Vậy vi khuẩn HP có nguy hiểm có nguy hiểm không?
Vi khuẩn HP là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư dạ dày. Còn việc nhiễm vi khuẩn HP sẽ chuyển sang ung thư dạ dày hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ địa của từng người, chế độ ăn uống và độc tính của vi khuẩn. Cũng giống như việc hút thuốc và uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, đặc biệt đối với các ung thư phần trên dạ dày gần thực quản. Theo các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày tăng gấp đôi ở người hút thuốc lá, tỷ lệ này cũng tăng lên rõ rệt ở những người trên 50 tuổi.
Vi khuẩn HP được Tổ chức Ung thư Quốc tế xem như là thủ phạm số một gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo rằng không có HP sẽ làm giảm ung thư dạ dày. Cần phải khẳng định rằng vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, chứ không phải cứ có vi khuẩn HP là bị ung thư dạ dày.
3. Cách phòng ngừa vi khuẩn HP
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, nên tiến hành cách ly, không dùng chung đồ ăn.
Thực hiện vệ sinh các nhân bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Những người bị bệnh viêm loét dạ dày cần: Ăn uống khoa học, không nên ăn quá no, cũng không nên để đói quá. Tập thể dục thường xuyên. Tránh căng thẳng. Ngủ đủ giấc. Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, tránh ăn các loại đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như những thực phẩm có độ acid quá cao,…Tránh rượu bia.
Không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP đều phải điều trị, việc có cần điều trị HP hay không nên để bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có.