Thời gian gần đây có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ những tòa nhà chung cư cao tầng khi lan can không có lưới an toàn bảo vệ. Cách đây hơn 1 tháng là trường hợp cậu bé 5 tuổi tại khu nhà CT19 (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên) rơi từ lan can tầng 6 dẫn đến tử vong. Trường hợp khác may mắn hơn là cháu bé 4 tuổi (chung cư CT3, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) đã được cứu khi vắt vẻo ngồi lan can tầng 12 không có thanh sắt hay lưới bảo vệ. Những sự việc trên đang gióng lên hồi chuông báo động cảnh báo cho các hộ dân cư, gia đình về mức độ nguy hiểm trẻ nhỏ trong chính ngôi nhà của mình.
200.000 đồng/m2 để bảo vệ con
Chị Đào Thu Thủy ( Ngõ 2, phường Ngọc Khánh) sau khi đọc thông tin “giải cứu” cháu bé 4 tuổi vắt vẻo ở lan can tầng 12 Hà Đông cũng giật mình vì sự bất cẩn. Nhà chị Thủy ở tầng 9 chung cư CT1 Xa La và cũng có cậu con trai 3 tuổi rất thích leo trèo, nghịch ngợm. Lan can nhà chị cũng chưa hề làm rào chắn hay lưới sắt bảo vệ. Hàng ngày, chị vẫn mở cửa lan can để phơi quần áo và chăm sóc hoa phía ngoài nhưng ít để ý việc cậu con trai mon men ra ngoài với mẹ.
Chị vẫn dặn dò con cẩn thận “không được leo cửa sổ hoặc ra ngoài lan can khi chưa có sự cho phép của ba mẹ” nhưng sau nhiều sự vụ trẻ tự ý ra ban công chơi, chị rút kinh nghiệm. Con mới 3 tuổi vẫn còn hiếu động và ham chơi sao có thể nghe lời dặn tuyệt đối của cha mẹ. Chị bắt đầu bàn với ông xã công cuộc cải tạo ban công để bảo vệ cả gia đình.
Khảo sát thêm một số căn hộ chung cư cao tầng có đến 4/10 hộ không chú trọng đến viêc làm lưới sắt hay dụng cụ bảo vệ ngoài lan can. Lý do của họ “con lớn rồi, không cần phải làm” hoặc chưa có thời gian để thực hiện. Một số khác có sử dụng thanh sắt bảo vệ nhưng đủ để người có thể lách qua hoặc những lan can tuy xây kín nhưng lại thấp so với những trẻ ở độ từ 4 đến 6 tuổi.
Hình ảnh được ghi lại tại chung cư Xa La khi cứu cậu bé 4 tuổi ngoài lan can tầng 12
Ban công của gia đình không hề có lưới an toàn
Theo ông Nguyễn Hoàng Quân – Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Việt Tín: Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành thì lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải có tường chắn đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Với lan can được sử dụng bằng vật liệu kính, thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa rơi ngã.
200.000 đồng/m2, các mẹ có thể lắp lưới ban công để bảo vệ tính mạng cho con trẻ
Giải pháp cho những hộ dân cư ở nhà cao tầng để bảo vệ con trẻ là dùng lưới an toàn ban công. Đây là lựa chọn được tin dùng bởi vì: Lưới an toàn ban công rất chắc chắn, an toàn cho trẻ em, thoáng mát. Lưới có thiết kế cực kì thẩm mỹ, không thể phát hiện khi nhìn từ xa với khoảng cách trên 15m. Phù hợp với tất cả các toà nhà , kể cả chung cư cao cấp với những yêu cầu khắt khe nhất. Chi phí lắp đặt lưới an toàn có giá bình dân, dao động từ 185.000 đồng -200.000 đồng/m2.
Đảm bảo an toàn khi nhà có ban công
Theo ông Hoàng Đình Khiêm – Giám đốc công ty xây dựng và nhà ở Văn Yên: Trẻ con thường hiếu động đặc biệt ở lứa tuổi dưới 10. Ở những hộ chung cư các mẹ nên lắp thêm song chắn cửa sổ hoặc lưới bảo vệ bên ngoài. Đồng thời khi sắp đồ đạc nên sử dụng những dụng cụ che chắn cạnh cửa sổ, ngăn cản con leo trèo ra phía ngoài.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội
Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội: Lan can của gia đình có trẻ nhỏ cần cao từ 1m trở lên. Các hoa văn họa tiết không được có các khoảng trống hơn 1 bàn chân trẻ. Phần khoảng không phía trên nên được bao bọc bằng lưới chống muỗi hoặc một loại lưới mỏng khác. Những tấm lưới này sẽ cản lại việc trẻ trèo qua lan can. Tuy nhiên, khi gặp biến động, các nhân viên cứu hỏa vẫn có thể dễ dàng cắt lưới để cứu người. Tuyệt đối không bịt kín mít bằng các thanh sắt. Điều này sẽ ngăn cản việc thoạt hiểm trong thời điểm có biến cố.