Nhà chật 12m2 thì làm được cái gì? Đừng vội nghĩ vậy, hãy xem kiến trúc sư Vương Bình Trọng cải tạo căn nhà 12m2 dưới đây thành một căn hộ 5 phòng lớn nhỏ, đầy đủ tiện nghi như một căn phòng rộng rãi bình thường như thế nào!
Toàn bộ căn nhà trước khi cải tạo.
Kiến trúc bên ngoài căn nhà sau khi cải tạo.
Dưới đây là chia sẻ của chính vị KTS khi cải tạo lại căn nhà siêu chật này:
“Phía trước căn nhà có phòng bếp tự xây chiếm khoảng 1m2. Tuy nhiên 1m2 này tôi cảm thấy chẳng có ích lợi gì, dầu và khói chui ra từ phòng bếp bay lên theo gió. Đặc biệt là khi mùa hè, dầu và khói còn bay ngược vào nhà, khiến cho cánh cửa gỗ – nơi thông gió duy nhất trong nhà mặc dù luôn phải đóng kín, khói vẫn theo khe hở chui được vào trong.
Kiến trúc thế này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ánh sáng trong nhà. Ánh sáng, không khí, nước – 3 vấn đề cơ bản này không được giải quyết, không gian dù có rộng nữa cũng không có tác dụng gì”. Vậy nên Vương Bình Trọng không do dự phá bỏ phòng bếp hơn 1m2.
Ngôi nhà này gồm tam đại đồng đường sinh sống. Hai vợ chồng cùng một con nhỏ hai tuổi sống ở tầng 1. Căn gác bằng tre là nơi ở của ông. Không gian thấp đến ngẩng đầu lên cũng không ngẩng nổi, ông lão lại chân tay không còn linh hoạt, lên xuống lầu rất khó khăn. Cửa sổ của gác trên đối diện với khu vực khói thải công cộng, không thể thông gió.
Căn nhà này tường gạch đã lỏng lẻo, ẩm ướt vô cùng. Chỗ nào cũng thấy dấu vết của rêu mốc, ánh sáng kém cũng là một nguyên nhân của rêu mốc. Bốn người trong nhà căn bản không thể sống cuộc sống khỏe mạnh.
Vương Bình Trọng chọn cách thiết kế một phòng đa chức năng, không gian nhỏ hẹp không cho phép anh được lãng phí. “Tất cả không gian đều có thể là không gian riêng tư, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành không gian chung. Phòng ăn, phòng bếp, phòng khách, phòng ngủ hợp thành một thể, khả năng lợi dụng cao nhất. Đây là cái khéo của thiết kế.”
Kiến trúc sư Vương Bình Trọng cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn chưa học qua kiến trúc, cũng như chưa từng cải tạo nhà cửa: “Không phải không gian nhà bạn không đủ rộng, mà là bạn chưa bỏ chút tâm sức vào quy hoạch. Sau khi thiết kế không gian ban đầu có thể rộng rãi hơn.”
Phòng bếp “lột xác” hoàn toàn sau khi được cải tạo.
Sở dĩ gọi ngôi nhà này là “ngôi nhà không thể trưởng thành” là bởi vì đứa bé 2 tuổi trong nhà căn bản không có không gian phát triển lành mạnh. Bởi vì đứa trẻ, nên mới cần phải cải tạo ngôi nhà này.
Do điều kiện tài chính của chủ nhà có hạn, nên ngôi nhà chủ yếu tận dụng đồ dùng cũ hoặc sáng tạo từ đồ dùng cũ, ví dụ như túi đựng đồ làm từ quần áo cũ. Kiến trúc sư còn tặng cho chủ nhà một bức tranh để trang trí.
Do điều kiện kinh tế của chủ nhà hạn hẹp, kiến trúc sư quyết định tận dụng quần áo cũ làm túi đựng đồ trang trí.
Vương Bình Trọng lấy dấu tay của trẻ em làm thành hình thạch cao chống nước chống ẩm, đặt làm chuông cửa trong nhà.
Phòng vệ sinh cũng rộng rãi hơn. Trước khi cải tạo, người lớn tắm cho trẻ nhỏ đứng ngồi không yên, còn bây giờ việc tắm giặt trở thành một việc rất vui vẻ, màu sắc của phòng vệ sinh cũng sống động và vui mắt.
Phòng vệ sinh vô cùng bắt mắt trong căn nhà vỏn vẹn 12m2.
“Làm những vật xinh xắn không khó, rất nhiều kiến trúc sư đều làm được, nhưng tôi không muốn làm những vật sơ sài như vậy”. Vương Bình Trọng cho biết, nếu chỉ cần đẹp thì có khi lại khiến cho cuộc sống của chủ nhà không được tiện lợi.
Vương Bình Trọng đo chiều cao của mỗi thành viên trong gia đình, thậm chí còn dự đoán chiều cao của đứa nhỏ để làm thành những chi tiết mang đậm tính cá nhân của từng người. Ví dụ như ghế ở ngoài thị trường cao 75cm, nhưng ghế mà Vương Bình Trọng thiết kế cho gia đình chỉ từ 72-73cm. Cảm giác thoải mái khi được làm ghế cho riêng mình, chỉ có chủ nhân mới hiểu được.
Những chiếc ghế được thiết kế riêng cho từng thành viên trong gia đình.
“Không phải tôi đang làm một ngôi nhà bình thường, mà là làm cho họ một tổ ấm”.
Vương Bình Trọng cho rằng, mỗi gia đình đều có một câu chuyện, và ông đang viết lên một phần của câu chuyện ấy. Ông để mỗi bậc cầu thang làm thành bức tường ảnh trưởng thành của em bé, những bức ảnh được in ra lồng trong kính, treo theo tuổi tác của em bé, đồng thời cũng để lại không gian để treo những bức ảnh sau này.
Mỗi bậc cầu thang là một dấu ấn của em bé 2 tuổi trong nhà.
Vương Bình Trọng còn đặc biệt làm bàn học và một tấm gỗ bản, nếu sau này đứa trẻ lớn rồi, cần một không gian riêng tư, tấm gỗ bản có thể gỡ ra làm thành tấm ngăn cách không gian giữa bố mẹ và con.
Chiếc cầu thang cũ kĩ mà ông nội vẫn leo lên vất vả liền được cải tạo thành tủ sách trong phòng sách.
Phòng ngủ của ông nội dưới tầng 1.
Bước vào ngôi nhà mới cải tạo, ông lão liền gọi Vương Bình Trọng lại, không ngớt lời cảm ơn, nước mắt cũng lăn dài trên má. Ông không ngờ đời này lại có thể ở căn nhà tiện nghi và thoải mái thế này. Tuy nhiên Vương Bình Trọng cũng tiếc nuối: “Tôi không có cách nào giúp được tất cả mọi người, mặc dù nhà cao cửa rộng trong thành phố đã mọc lên rất nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều người sống trong căn nhà xập xệ”. Ông cũng bày tỏ: “Nếu như có thể giúp đỡ được cuộc sống của người khác, tôi sẽ rất vui”.